Nguyên nhân sự việc Nguyên bí thư huyện Vĩnh Thạnh “thâu tóm” đất – Những chuyện chưa kể

Vài ngày trở lại đây, chúng tôi đã tiếp cận được với rất nhiều bài báo gây xôn xao dư luận về việc một Nguyên bí thư huyện Vĩnh Thạnh “thâu tóm” đất rừng phòng hộ. Thực hư câu chuyện như thế nào chúng ta vẫn còn đang đợi những phán quyết từ phía cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Nguyên bí thư huyện uỷ theo như lời báo chí viết thật quá khác lạ so với Nguyên bí thư huyện uỷ mà chúng tôi biết. Chính vì lẽ đó, hôm nay chúng tôi xin được kể về Nguyên bí thư huyện uỷ về những điều chưa nói, những chuyện chưa kể để quý nhà báo và mọi người có thể biết cũng như có thể hiểu rõ hơn một số vấn đề, các khuất tất cũng như một số câu chuyện đã luôn thầm lặng cống hiến cho đến tận bây giờ.

Trong suốt quá trình công tác, ông Nguyễn Đình Kim đã luôn suy nghĩ và trăn trở về cái nghèo, cái khó của bà con miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng như quê hương Vĩnh Thạnh của chúng tôi. Rừng thì có nhưng có hạn, là tài nguyên quốc gia và người dân ở đây chưa thụ hưởng được gì nhiều từ rừng, nguy cơ xâm hại và cạn kiệt là hiện hữu; đất thì cũng có nhưng là đất bạc màu, đất đồi, manh mún, chia cắt bởi sông suối và cũng không được quyền sử dụng, kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc thì chưa có, không phù hợp với thói quen canh tác của người dân nơi này nên việc giúp bà con miền núi trồng cây gì, nuôi con gì cho phù với trình độ và năng lực sản xuất trên vùng đất có rừng, vùng đất trống, đồi núi trọc ở tỉnh Bình Định nói chung và huyện Vĩnh Thạnh nói riêng để vừa giữ được rừng, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các địa phương là mong muốn của ông Kim trên bất cứ cương vị công tác nào.
Nhân dịp đi họp tại Ủy ban Dân tộc Trung ương vào năm 2002, ông Nguyễn Đình Kim có gặp anh chị em Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa, khi được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, vận động đồng bào dân tộc thiểu số công tác định canh định cư và công tác xóa đói giảm nghèo. Anh chị em cho biết, ở Thanh Hóa hiện đang phát triển trồng cây tre Luồng, cây này có tác dụng đa chức năng (về phòng hộ rất tốt, chống sa bồi thủy phá; về mặt kinh tế thì lấy măng tre làm thực phẩm, lấy tre làm nhà, làm giàn giáo, làm hàng thủ công mỹ nghệ, các phần còn lại đều có thể làm nguyên liệu giấy được hết, …). Ông Kim mừng quá nên có hỏi thêm về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, các anh chị cho biết cây tre Luồng không kén đất, trồng dọc theo bờ sông suối, đất trống đồi dốc đều được, lại phù hợp với trình độ sản xuất, không tốn kém về đầu tư chăm sóc của bà con miền núi, vì trồng một lần có giá trị sử dụng nhiều đời người (nhiều thế hệ).

Sau Hội nghị, ông Kim vào tỉnh Thanh Hóa, đi cùng các anh chị ở đó lên Lâm trường Ngọc Lặc của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa tham quan điều kiện sản xuất, khí hậu và thổ nhưỡng. Tới đây, ông liên tưởng ngay đến điều kiện của tỉnh Bình Định, cụ thể là ở xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), có điều kiện giống như ở huyện Ngọc Lặc. Sau chuyến đi công tác về, ông có trao đổi lại với Lãnh đạo Ban Dân tộc, các anh chị có nói là mình nên làm. Tiếp đó, ông có tâm sự với anh Đinh T. – nguyên trước đây làm Trưởng ban Dân tộc tỉnh và lúc đó đang là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy, phụ trách địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và anh Lê Văn D. , Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy cũng theo dõi địa bàn Vĩnh Thạnh. Hai anh nói “Nếu đúng như đồng chí nói, cho hai chúng tôi đi thực tế xem có đúng như vậy không?”.
Sau đó, Ông đã mời hai anh đi tham quan cây tre Luồng ở Lâm trường huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hai anh cho rằng ông Kim nói là đúng; Hai anh bảo “đồng chí về nên chọn xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim có điều kiện giống như huyện Ngọc Lặc để làm thử nếu có kết quả sẽ nhân rộng ra các huyện miền núi khác của tỉnh”. Sau chuyến đi hôm đó, ông Kim về trao đổi lại với các anh chị trong Ban Dân tộc tỉnh nên chọn xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim của huyện Vĩnh Thạnh làm thí điểm và các anh trong Ban lãnh đạo nhất trí. Sau đó, ông lên làm việc với Thường trực Huyện ủy và Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, được các đồng chí nhất trí, đều ủng hộ.
Trong quá trình ông Kim về vận động bà con tại huyện Vĩnh Thạnh, bước đầu bà con các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa chưa hiểu được nên từ chối nhận làm mô hình trồng cây Luồng. Bí quá nên ông có trao đổi lại với hai anh (T & D) rằng: “Hay ta nên chọn một số anh chị em cán bộ xã và gia đình người thân của một số cán bộ cốt cán làm, sau đó người dân họ thấy kết quả thì sẽ bắt chước làm theo” và được hai anh (T & D) nhất trí, trong đó có một số anh chị em là con cháu của ông (Nguyễn Đình Kim). Về phía gia đình, ông có nói với anh chị em làm mô hình trồng Luồng rằng “cứ nhận làm nếu thành công, tất cả thành quả sẽ do anh chị em hưởng lợi, còn nếu thất bại thì sẽ chuyển lại cho ông”. Tiếp đó, ông đã lên Vĩnh Sơn vận động một số bà con có uy tín như Già làng, Trưởng bản để đi đầu làm thí điểm; trong đó có lãnh đạo xã là anh Bá V. – Bí thư UBND xã và anh Dr. – Chủ tịch UBND xã, nay là Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh; ở Vĩnh Kim thì có anh Đinh K. là người trẻ có uy tín, anh D., ông Bá D. đã nhận trồng mô hình thí điểm. Sau đó có kết quả khả quan nên được nhân rộng mô hình trên toàn 03 xã hơn 500ha.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2003, ông Kim được tỉnh điều động đến nhận công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh giữ chức vụ Chi cục trưởng nên công việc làm mô hình trồng Luồng nêu trên bỏ dang dỡ. Cho đến cuối năm 2004, hai anh (T & D) lại gặp và thúc đẩy ông phải vận động người thân và gia đình dòng họ (nếu có điều kiện) để thực hiện mô hình trên. Hai anh còn nói “Em được sang làm kiểm lâm, việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc là phù hợp với ngành nghề của em đó nên em phải tiếp tục thực hiện, không nên bỏ lỡ giữa chừng”. Nghe có lý nên ông Kim tiếp tục vận động và triển khai việc di thực cây Luồng từ Thanh Hóa về trồng trên đất huyện Vĩnh Thạnh. Khi vận động nhân dân, họ có ý kiến rằng “Bảo nhà nước phải có quyết định đất (Giấy CNQSD đất) thì chúng tôi mới yên tâm đầu tư trồng cây Luồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc và làm mô hình như lãnh đạo đã vận động” và ông có trao đổi với hai anh (T&D) về việc yêu cầu này của nhân dân. Hai anh nhất trí và hứa sẽ làm việc với lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh để đối chiếu với các quy định của pháp luật về việc yêu cầu cấp quyết định giao đất cho các hộ dân để họ yên tâm trồng Luồng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của hai anh (T & D), ông Kim thấy xã Vĩnh Hòa tương lai khi đắp đập Định Bình, chặn dòng phải đền bù và di dời dân ra khỏi lòng hồ và sẽ có một số diện tích đất rẫy ven hồ không ngập nước; nên có trao đổi với Lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp: Phía Tây hồ Định Bình trồng thí điểm cây bản địa là cây Sao Đen, cây phụ trợ là cây Keo lá tràm và trồng thuần thí điểm nữa là cây thông Karibe Đà Lạt khoảng 03 ha; Phía Đông hồ trồng thí điểm cây tre Luồng. Như vậy, phía Tây hồ Định Bình, Công ty Lâm nghiệp sẽ trực tiếp trồng, còn phía Đông hồ Định Bình sẽ vận động nhân dân một số xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh đã từng canh tác trước đó để họ trồng rừng. Song, họ không đồng ý và cho rằng “làm tào lao, công giã tràng, không có tiền của và công sức thừa đâu để trồng”. Khi nghe vậy cũng buồn nhưng ông Kim thật sự tâm huyết với nghề và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và thực hiện Chương trình trồng rừng 327, Chương trình trồng 5 triệu ha rừng. Khi ông Kim thấy vận động nhân dân có kết quả không khả quan nên chuyển sang vận động người thân của ông từng có canh tác rẫy cũ ở khu vực lòng hồ Định Bình (tiểu khu 176a) để trồng, họ có đất và công, ông Kim cung cấp cây giống và kỹ thuật nếu làm có kết quả khả quan thì cùng hưởng lợi, còn nếu thất bại và không làm nữa thì chuyển lại cho ông, ông sẽ hoàn vốn cho họ. Ông có nói trồng cây rừng phòng hộ lâu năm phải có tính pháp lý mới làm còn không thì không làm. Ông có trao đổi với ngành chức năng huyện để tham mưu UBND huyện quyết định giao đất và sẽ làm sổ đỏ sau này. Sau đó, ông Kim đã hướng dẫn cho bà con làm đơn gởi các cấp thẩm quyền xem xét quyết định cấp đất.

Khi có Quyết định năm 2004, gia đình và người thân của ông Kim tiến hành phát dọn thực bì trồng rừng phòng hộ gắn với rừng sản xuất (tre Luồng). Vào năm 2006, nhân dân địa phương có đơn khiếu nại ông Nguyễn Đình Kim chiếm đất của dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khu vực II Đà Nẵng vào kiểm tra nhưng ông Kim chờ một thời gian không thấy kết luận đúng hay sai, ông đã có đơn xin giải trình và trả đất lại cho huyện vào năm 2006 có xác nhận của ông Lê Văn D. (nguyên Phó chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Bình Định) và ông Trần Công S. (nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh) nhưng lại không thấy huyện phản hồi, thu hay không thu. Mãi đến năm 2008, huyện mới làm thủ tục cấp sổ đỏ, lúc cấp Quyết định giao đất (2004) ông Kim còn đang công tác tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chứ không phải ông đang làm Bí thư Huyện ủy như các bài báo (báo Dân Việt) đã viết. Sau này, một số bà con nhân dân trồng Keo, Bạch đàn thắc mắc tại sao gia đình ông Kim trồng Luồng được cấp sổ đỏ, nhân dân trồng Keo không được cấp sổ đỏ và cho rằng gia đình ông có chức, có quyền nên được cấp sổ đỏ. Vì họ trồng Keo, Bạch đàn không phải là cây rừng phòng hộ lâu năm và tùy theo thời điểm, nên huyện không cấp sổ đỏ cho họ được. Huyện nói ai trồng cây phòng hộ lâu năm thì mới được, còn chu kỳ Keo, Bạch đàn 4-5 năm khai thác thì làm cho đất xói lở nên không được cấp sổ đỏ, còn không thì sắp tới nhà nước cũng phải điều chỉnh để huy động nguồn lực trồng rừng, chứ không phải trồng rừng chỉ có chức năng phòng hộ thuần túy (có thể khai thác du lịch, khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, …).

Tuy nhiên, vừa qua, chúng tôi được biết, Thanh tra đã kết luận ba cha con nguyên Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh chiếm 138,4ha đất rừng phòng hộ trái phép, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước. Theo tôi nghĩ, điều này chưa hoàn toàn đúng với thực tế, bởi lẽ đất trống đồi núi trọc nhận trồng rừng phòng hộ không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, kể cả phí môi trường bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Gia đình và người thân của ông Kim từ ngày trồng 115ha rừng Luồng tới nay, chỉ khai thác ít măng và một ít cây trồng xen kẻ vì nhân dân khai thác trộm không giữ được (có hình ảnh minh họa kèm theo), cho một số người dân xung quanh chặt tỉa bớt để làm bè nuôi cá lồng và nhà sàn, chưa thu lợi được đồng nào từ cây Luồng.

Từ năm 2010-2012, ông Kim đã lặn lội đi tìm nơi tiêu thụ cây Luồng, ông đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp ở tận tỉnh Bình Dương về địa phương chế biến sản phẩm cây Luồng để có đầu ra và phát động nhân dân tiếp tục trồng Luồng. Do qua lại hồ cách trở, nguy hiểm, nguồn thu không có gì, thu không đủ chi nên các gia đình người thân của ông Kim hay than vãn và ông giữ lời hứa, đến năm 2018 ông có nhận chuyển nhượng lại để tiếp tục chăm sóc. Từ năm 2018 – 2022, ông đi lại chăm sóc qua hồ Định Bình khó khăn nguy hiểm, nên ông có làm đơn xin mở đường từ bờ đập Định Bình đến rẫy ông, ngành chức năng cho rằng đụng vào rừng phòng hộ nên huyện không cho mở đường. Có nhiều người đề nghị chuyển nhượng lại cho họ nhưng mục đích sử dụng không rõ ràng nên ông không chuyển nhượng. Song năm 2022, bà Lâm Thị Vân đặt vấn đề chuyển nhượng có mục đích sử dụng rõ ràng theo ý tưởng, khát vọng của ông là trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ môi trường và trồng dặm lại rừng phòng hộ, trồng xen kẽ cây dược liệu và bổ sung kế hoạch phát triển du lịch sinh thái (Bà Vân có làm cam kết rõ ràng có đơn kèm theo, đơn đã gửi cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện). Trước đó, nhiều người khuyên ông phá bỏ cây Luồng để trồng cây Keo hiệu quả kinh tế hơn, song ông Kim có trả lời mục đích, khát vọng của ông trồng Luồng là để bảo vệ môi trường sinh thái và làm du lịch, nếu ông có tham vọng làm giàu cho cá nhân thì ông đã phá cây Luồng để trồng Keo, trồng cây ăn quả từ lâu rồi. Vì vậy, ông đã chuyển nhượng cho bà Lâm Thị Vân để bà Vân thực hiện việc sử dụng đất như đã cam kết vì ông đã lớn tuổi, qua lại hồ Định Bình bằng ghe xuồng không an toàn.

Việc vận động gia đình và người thân trồng rừng phòng hộ của ông Nguyễn Đình Kim cách đây 18 – 20 năm là góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo không khí trong lành, cảnh quan xanh đẹp của hồ Định Bình, tạo nguồn sinh thủy, đóng góp chống biến đổi khí hậu và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Bài viết này chúng tôi không lên án tổ chức hay bất kì cá nhân nào, chỉ đứng lên kể ra những cống hiến thầm lặng trong bao năm qua của ông để mọi người có được góc nhìn đa chiều cũng như hiểu rõ hơn về sự việc. Vì có một số cá nhân chưa nhận thức được việc trồng rừng phòng hộ, nên đã có những ý kiến khác nhau và cho rằng ông là người chiếm đất của dân. Nhưng trên thực tế, người thân ông Kim xin trồng cây Luồng làm mô hình thí điểm, đã được nhà nước cấp đất từ năm 2004, vì đây là đất đồi núi trọc đã được nhà nước đền bù cho dân khi di chuyển ra khỏi lòng hồ. Do đó, khi Thanh tra nhà nước vào cuộc để thanh tra, báo D.V đã có những bài đăng gây áp lực cho rằng “Ba cha con nguyên Bí thư Huyện ủy đã chiếm đoạt 138,4ha đất rừng phòng hộ làm thiệt hại tài sản của Nhà nước” theo tôi nghĩ đã có những điểm chưa phù hợp và chưa đúng. Bởi vì, việc người dân tự xuất tiền ra để đầu tư trồng rừng phòng hộ, không nhận tiền hỗ trợ từ nhà nước nhưng lại được cho là vi phạm pháp luật thì thật sự quá oan ức vì ai cũng có những hoài bão, những ước mơ đóng góp và sự cống hiến nào cũng cần được công nhận.

 

ĐĂNG KÝ LỊCH HẸN TRỰC TUYẾN

Giảm ngay 15% phí dich vụ dành cho khách hàng đặt lịch hẹn

ĐẶT LỊCH HẸN

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI